Di tích lịch sử Vĩnh_Ngọc,_Đông_Anh

  • Trong những năm 1941 - 1945, thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh trở thành an toàn khu quan trọng của Ban Thường vụ T.Ư Đảng về làm việc, hội họp và chỉ đạo kháng chiến. Ngọc Giang không chỉ là cơ sở an toàn khu đầu tiên của huyện Đông Anh mà còn là nơi T.Ư Đảng tổ chức hội họp. Đầu năm 1945, tại chùa Ngọc Giang đã diễn ra cuộc họp lịch sử của T.Ư do đồng chí Trường Chinh chủ trì, quyết định chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước. Ngày 21/8/1945, đoàn biểu tình của thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc đã lên thẳng huyện lỵ Đông Anh phối hợp cùng lực lượng các địa phương khác giành chính quyền, giải phóng huyện Đông Anh. Cũng nhờ an toàn khu này, trong 4 năm trường kỳ gian khổ, T.Ư Đảng đã được bảo vệ an toàn, lãnh đạo cách mạng từng bước đi lên, tạo nên thắng lợi lịch sử tháng 8/1945.
  • Đình làng thôn Ngọc Chi là nơi thờ tướng Nồi Hầu và vợ của ông, cùng với 2 con trai là Đống Vĩnh, Lý Vực. Nồi Hầu là một vị tướng giỏi dưới thời vua An Dương Vương 2 con trai của ông cũng là tướng võ trong triều. Đình làng Ngọc Chi có bề dày lịch sử lâu đời và hiện nay là một di tích lịch Sở văn hóa đã được xếp hạng năm 1993. Ngoài ra còn thờ những dòng họ đã lập ra thôn Ngọc Chi như dòng họ: Phạm, Nguyễn, Hoàng, Bùi, Dương, Trần, Lê, Trịnh.
  • Chùa Khánh Long (Quốc Sư Tự) thôn Vĩnh Thanh: chùa xây dựng vào thời kỳ nhà Lê niên hiệu Chính Hòa năm 1698, người khai sáng ra ngôi chùa này là Quốc Sư Hòa thượng – Nguyễn Đức Trung tự là Đạo Chất Thiền Sư ở chùa Báo Thiên – Hà Nội. Trên Bia ghi "Quốc Sư Tự Bi" "Quốc Sư Hòa Thượng trụ trì Trung Đô Báo Thiên Tự" Có nghĩa là Bia ghi lịch sử chùa Quốc Sư của Quốc Sư Hòa thượng trụ trì chùa Báo Thiên ở Phủ Trung Đô. Chính vì vậy chùa Khánh Long(chùa Quốc Sư Tự) có liên quan mật thiết với chùa và Tháp Báo Thiên ở Hà Nội là một ngôi chùa cổ kính có giá trị về lịch sử, một di sản rất lớn của Thủ Đô. Trải qua thăng trầm lịch sử nhất là 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ chùa bị phá hoàn toàn đến khi hòa bình chùa được nhân dân Phật tử xây dựng lại nho nhỏ để thờ Phật. Năm 1968 chùa được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen là một nơi hoạt động cách mạng chủ chốt, không những thế chùa còn được nhận nhiều bằng khen trong phòng chống thiên tai, bão, lũ lụt…. và công tác Phật sự.